Hiện tại, lúa chủ yếu ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, phân hóa - phát triển đòng. Dự kiến thời gian lúa trỗ của các huyện, thị xã, thành phố tập trung từ 30/4 – 10/5/2025. Ngô xoáy nõn, trỗ cờ - bắp non; Lạc: củ non; Dưa chuột, bí: quả non - thu hoach rộ. Cây ăn quả Vải, Nhãn, Xoài, Bưởi: hoa - quả non.
I. TÌNH HÌNH DỊCH HẠI THỜI GIAN QUA
1. Trên cây lúa
a) Chuột: Gây hại cục bộ trên lúa gieo thẳng, 1 số diện tích ven làng, gò đống, nghĩa địa; diện tích bị hại > 2,5% số dảnh: 1,92 ha. Lượng thuốc hóa học đã sử dụng: 61.265,2 kg, trong đó thuốc Antimice 0.006GB: 50.550 kg, Gimlet 0,2GB: 3.420 kg, Racumin 0.75TP: 102 kg, thuốc khác: 7.193,2 kg. Số chuột bắt thủ từ đầu vụ đến nay: 89.510 con (trong đó Kim Bảng: 11.560 con, Duy Tiên: 11.900 con, Lý Nhân: 19.100 con, Bình Lục: 32.300 con, Thanh Liêm: 3.750 con, Phủ Lý: 10.900 con).
b) Bệnh đạo ôn: Gây hại trên giống nhiễm J02, TBR225, Bắc thơm số 7, ADI, BC15, Ải 32,... tỷ lệ bệnh trung bình rải rác, nơi cao 3-5 % số lá, cục bộ 10 -30% số lá. Diện tích có vết bệnh: 104,3 ha; diện tích nhiễm: 38,8 ha, diện tích đã phòng trừ: 50,8 ha (trong đó diện tích phun 2 lần: 8,3 ha).
c) Bệnh khô vằn: Phát sinh gây hại cục bộ trên các diện tích gieo cấy dày, xanh tốt; tỷ lệ bệnh trung bình rải rác, nơi cao 3- 5 %, cục bộ 10 - 15% số dảnh. Diện tích nhiễm và phòng trừ: 86,6 ha.
d) Sâu cuốn lá nhỏ: Mật độ trung bình rải rác, nơi cao 0,3– 0,5 con/m2, cục bộ 1 - 2 con/m2 phát dục sâu chủ yếu tuổi 4, 5, nhộng.
đ) Rầy nâu - rầy lưng trắng: Rầy mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, nơi cao 60 - 80 con/m2 rầy chủ yếu tuổi 2 -5.
e) Lúa cỏ: Xuất hiện cục bộ, diện tích nhiễm và xử lý: 0,3 ha.
g) Bệnh lùn sọc đen hại lúa: Chưa phát hiện thấy trên đồng ruộng, Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm đã phối hợp với Trung tâm DVNN thành phố Phủ Lý lấy 03 mẫu lúa (tại xã Phù Vân-Phủ Lý) gửi Trung tâm BVTV phía Bắc giám định bệnh, kết quả cả 03 mẫu đều âm tính với bệnh.
2. Trên cây màu
a) Trên dưa chuột, bí:
- Bệnh giả sương mai gây hại rải rác, nơi cao 20-25% số lá. Diện tích nhiễm: 102,4 ha; các diện tích nhiễm bệnh được phun phòng trừ định kỳ 5 -7 ngày/lần.
- Bệnh phấn trắng gây hại cục bộ, nơi cao 15-20% số lá. Diện tích nhiễm: 11,5 ha, diện tích phòng trừ: 25,0 ha.
- Bệnh khảm lá virus gây hại cục bộ 1-3% số cây. Diện tích nhiễm: 30,0 ha, diện tích phun trừ môi giới: 35,0 ha.
b) Trên Ngô:
- Bệnh đốm lá tỷ lệ bệnh trung bình rải rác; nơi cao 15 - 20% số lá; diện tích nhiềm và phòng trừ: 67,0 ha
- Sâu keo mùa thu: Sâu non mật độ trung bình rải rác, cao 2-3 con/m2, diện tích nhiễm và phòng trừ: 43,0 ha.
3. Cây ăn quả
- Trên nhãn, vải: Bệnh sương mai gây hại cục bộ, tỷ lệ bệnh nơi cao 3 -5%. Bọ xít nâu xuất hiện rải rác.
- Trên cây có múi: Bệnh loét vi khuẩn gây hại rải rác, nơi cao: 5 - 10%.
II. DỰ BÁO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG DỊCH HẠI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG TỪ NAY ĐẾN 10/5/2025
1. Trên cây lúa
a) Bệnh đạo ôn:
* Bệnh đạo ôn lá: Trong khoảng thời gian từ nay đến trước trỗ, bệnh vẫn phát triển trên các giống lúa nhiễm nặng, các diện tích gieo cấy dầy, xanh tốt. Đối với bệnh tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo phun trừ cho những diện tích có vết bệnh cấp tính trên lá 1 -3 %.
* Bệnh đạo ôn cổ bông: Thời tiết trong giai đoạn này khả năng diễn biến phức tạp, thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại mạnh đặc biệt các diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá, giống lúa nhiễm đạo ôn cổ bông. Giải pháp cần thực hiện (theo nguyên tắc 4 đúng):
- Đúng thời điểm: Yêu cầu các địa phương kiểm tra sinh trưởng lúa, dự kiến thời gian lúa trỗ cụ thể của từng trà, từng xứ đồng. Chỉ đạo phun trừ 1 lần cho 100% diện tích vào giai đoạn ngay khi lúa bắt đầu trỗ. Phun kép lại lần 2 khi lúa trỗ xong hoàn toàn cho các diện tích bị nhiễm đạo ôn lá, các giống nhiễm bệnh nặng: Khang Dân 18; J02, Ải 32, Nếp; Nhị ưu 838; TBR 225; ADI30; BC 15 ...
Trường hợp thời tiết khi lúa trỗ không thuận lợi cho phun phòng trừ bệnh, có thể phun 1 lần ngay sau khi trỗ vẫn hạn chế được tỷ lệ bệnh gây hại. Tránh trường hợp chủ quan giai đoạn lúa trỗ chưa thấy vết bệnh nên không phun phòng, khi thấy có vết bệnh trên cổ bông mới phun trừ thì hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ.
- Đúng thuốc: Thuốc sinh học: TP-Zep 18EC, Balus 111WP, Serenade SC... Thuốc khác: Newtec 300SC; Angate 75WP; Bump 650WP; Beam 75WP; Kasai S 92SC; Ensino 400SC; Kabim 30WP; Bamy 75WP; Kabum 650 WP; Katana 20SC; Bem super 750WP … .
- Đúng nồng độ và liều lượng: Liều lượng thuốc dùng gấp 1,5 lần so với liều lượng dùng trừ đạo ôn lá, pha đủ khoảng 24 lít nước phun cho 1 sào.
- Đúng kỹ thuật: Phun vào lúc lá lúa khô, phun rải đều trên lá. Đi theo lối ngang hoặc đi lùi tránh thuốc bị gạt vào người. Phun lần 2 khi lúa trỗ xong vào buổi chiều tránh thời gian lúa đang phơi màu.
b) Bệnh khô vằn, vàng lá - lem lép hạt:
Bệnh khô vằn phát triển nhanh và gây hại trên diện rộng, đặc biệt những diện tích xanh tốt, gieo cấy dầy, có nơi tỷ lệ bệnh 60 - 70% số dảnh nếu không được phòng trừ kịp thời. Bệnh lem lép hạt, vàng lá chín sớm khả năng phát triển mạnh. Biện pháp phòng trừ:
- Những diện tích bệnh khô vằn có tỷ lệ bệnh ≥ 10% số dảnh lúa còn ở giai đoạn đòng non phải phun ngay.
- Phun trừ 100% diện tích ngay khi lúa bắt đầu trỗ kể cả đối với các diện tích đã phun (kết hợp với phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông).
Sử dụng 1 số loại thuốc trừ khô vằn, lem lép hạt như: Thuốc sinh học Tricô ĐHCT-Lúa von 108 bào tử/g WP; Subtial 100WP; Chubeca 1.8SL; B Cure 1.75WP. Thuốc khác: Anvil 5SC; Moren 25WG; Tiptop 250EC; Tilt super 300EC; Chevin 5SC; Callihex 5SC; Nevo 330 EC; Atulvil 5.55SC; Evitin 50SC ... theo liều lượng ghi trên nhãn mác.
Để không phải pha trộn nhiều loại thuốc, có thể sử dụng thuốc Newtec 300SC; Ensino 400SC; Amistar top 325SC; Help 400SC để vừa phòng bệnh đạo ôn cổ bông, vừa phòng trừ bệnh khô vằn, vàng lá, lem lép hạt.
c) Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2:
Dự kiến trưởng thành lứa 2 vũ hóa rộ từ 22/4 - 28/4, sâu non nở rộ từ 28/4 - 05/5 gây hại giai đoạn lúa phát triển đòng - trỗ; mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, nơi cao 60 – 80 con/m2; ước diện tích phải phòng trừ khoảng: 8.000 ha. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2: Đề nghị các địa phương tiếp tục điều tra, xác định cụ thể thời điểm sâu non nở rộ. Cụ thể hóa mật độ trứng, sâu non, thời điểm phun trừ đến từng xứ đồng, cánh đồng. Chỉ đạo phun trừ cho những diện tích có mật độ ≥ 20 con/m2 khi sâu đa số tuổi 1 -2.
- Thời điểm phun trừ: Dự kiến từ 28/4 - 05/5. Cụ thể:
+ Đối với diện tích trỗ đến ngày 05/5: Chỉ đạo phun trừ kết hợp với bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn- lem lép hạt.
+ Đối với diện tích trỗ sau 05/5: Thời điểm phòng trừ từ 30/4 - 04/5.
- Sử dụng các loại thuốc: Thuốc sinh học: Enasin 32WP, Vbtusa WP; An huy (8000 IU/mg) WP … Thuốc khác: Angun 5WG; Techtimex 30EC, 50WG; Silsau 6.5EC, 10WP; Newlitoc 36EC; Clever 150SC, 300WG; Obaone 95WG; Match 050EC; Ammate 30WG, 150EC; Takumi 20WG .... theo liều lượng trên nhãn mác.
d) Rầy nâu - rầy lưng trắng:
Rầy lứa 2 dự kiến nở rộ từ 27/4- 07/5, khả năng mật độ rầy trung bình 400 - 600 con/m2, nơi cao 800 - 1.000 con/m2, cục bộ > 2.000 con/m2; ước diện tích phải phòng trừ khoảng: 9.000 ha. Biện pháp chỉ đạo như sau:
- Phun trừ cho các diện tích có mật độ rầy nâu - rầy lưng trắng ³ 500 con/m2 có thể kết hợp cùng với trừ bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn để phòng trừ.
- Các diện tích có mật độ ≥ 1.500 con/m2 cần phun trừ ngay thời điểm đa số rầy tuổi 1, 2.
- Sử dụng các loại thuốc như: Thuốc trừ sâu sinh học tỏi, ớt, gừng; Muskardin 10WP; Trắng xanh WP. Thuốc khác: Chess 50WG; Ramsuper 75WP; Cyo super 200WP; Oshin 20WP, 100SL; Elsin 600WP; Good check 700WP; Regunta 200WP; Zap 350SC; Yoshito 200WP; Applaud 10WP, 25SC; Butyl 40WG, 400SC; Chersieu 50WG; Pexena™ 106SC... theo liều lượng trên nhãn mác.
đ) Bệnh đốm sọc và bạc lá vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại cục bộ trên các giống nhiễm nặng, các diện tích xanh tốt; cần phải theo dõi giai đoạn trước trỗ. Hướng dẫn phun trừ:
- Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn, chỉ đạo phun trừ cho các diện tích có tỷ lệ bệnh ≥ 20 % lá.
- Đối với bệnh bạc lá:
+ Khi ruộng xuất hiện bệnh ngừng ngay việc bón thúc đạm; không phun các loại phân qua lá, các chất kích thích sinh trưởng.
+ Kiểm tra và chỉ đạo phun trừ trước khi lúa trỗ cho những diện tích chớm bị bệnh; phun phòng cho các diện tích cấy giống nhiễm nặng, xanh tốt.
+ Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc sinh học: TP Zep 18EC. Thuốc khác: Supervery 50WP; MAP Oni 2SL; Lk-one 50SC; Visen 20SC; Xanthomix 20WP; Ải vân 6,4SL; Shirahagen 10WP; Lobo 8WP; Starwiner 20WP; Totan 200WP... theo liều lượng trên nhãn mác.
e) Lúa cỏ: Đề nghị các địa phương triển khai và hướng dẫn nông dân phòng chống để giảm nguồn cho vụ sau, cụ thể:
- Tiến hành nhổ bỏ để giảm nguồn trên đồng ruộng.
- Khi lúa cỏ trỗ được 3 -7 ngày trước khi chúng rụng hạt, tiếp tục kiểm tra và nhổ bỏ triệt để; sau đó gom đem đốt.
g) Chuột hại: Giai đoạn này đến khi lúa trỗ, chuột gây hại gia tăng. Đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức diệt chuột tập trung những nơi chuột đang gây hại. Khuyến cáo nông dân diệt bằng biện pháp thủ công như săn bắt, bẫy bán nguyệt.
2. Trên cây màu
a) Cây ngô:
- Sâu keo mùa thu: Tiếp tục gây hại cục bộ trên ngô giai đoạn xoáy nõn – trỗ cờ. Chỉ đạo phun trừ khi mật độ sâu ≥ 4 con/m2 sâu tuổi 1, 2 hoặc tỷ lệ cây bị hại > 20% số cây (tính theo vết hại mới là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá). Sử dụng một số thuốc BVTV: Thuốc sinh học V.K 16WP; Delfin WG. Thuốc khác Radiant 60SC; Voliam Targo 063SC; Match 050EC; Angun 5WG .... theo liều lượng trên nhãn mác. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát; phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá, nách lá và phun trực tiếp vào nõn ngô.
- Bệnh đốm lá, khô vằn phát sinh gây hại mạnh. Chỉ đạo phun trừ bệnh đốm lá nhỏ, đốm lá lớn những nơi có tỷ bệnh ≥ 30%; bệnh khô vằn ≥ 10% bằng các loại thuốc: Anvil 5SC; Calihex 5SC; Tiptop 250EC; Moren 25WP; Tilt super 300EC ... theo liều lượng trên nhãn mác.
b) Trên cây dưa chuột, bí xanh:
- Bệnh giả sương mai: Phát sinh phát triển mạnh. Hướng dẫn xử lý:
+ Thu gom lá bị bệnh, lá già dưới gốc đem tiêu huỷ nơi khác tạo ruộng thông thoáng, hạn chế nguồn bệnh.
+ Phun sớm khi bệnh chớm xuất hiện hoặc phun phòng trước hoặc ngay sau khi có các đợt không khí lạnh và mưa. Sử dụng luân phiên các loại thuốc: Thuốc sinh học: Bionite WP. Thuốc khác: Ortiva 600SC; Gekko 20SC; Antracol 70WP; Arygeen 75WP; Revus Opti 440SC; Daconil 75WP; 500SC; Insuran 50WG; Aliette 800WG ... theo liều lượng trên nhãn mác.
- Bệnh héo xanh, bệnh phấn trắng phát sinh gây hại cục bộ.
+ Đối với bệnh héo xanh: Hướng dẫn nông dân bón phân, tưới nước hợp lý, nhổ bỏ các cây đã bị héo rũ cách xa khỏi vùng trồng và xử lý ngay vùng đất đó bằng vôi bột để tở. Không để mực nước tưới quá 1/2 dãnh đối với dưa chuột. Phun đẫm phần gốc hoặc tưới bằng các loại thuốc: Arygreen 75WP + Kasumil 2L; Bellkute 40WP + Kasumin 2L; Supercin 50WP, 50SL; Ditacin 8 SL; Starsuper 20WP; Stifano 5.5SL; Lobo 8WP; Elcarin 0.5SL ... theo liều lượng trên nhãn mác.
+ Đối với bệnh phấn trắng: Hướng dẫn phun trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc: Thuốc sinh học: Serenade SC; Balus 111WP. Thuốc khác: Manage 5WP; Manozeb 80WP; Sancozeb 80WP; PN-Linhcide 1.2EW; Sat 4SL; Cyflamid 5EW ... theo liều lượng trên nhãn mác.
3. Trên cây ăn quả
a) Trên vải, nhãn:
- Bọ xít hại nhãn vải: Kiểm tra theo dõi thời điểm bọ xít non nở rộ, chỉ đạo phun trừ khi mật độ bọ xít ≥ 1 con/cành, khi chủ yếu tuổi 1, 2. Hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc: TC-Năm Sao 20EC; Plutel 5EC; Reasgant 3.6EC; Limater 7.5 EC; Dibamec 3.6EC, 5WG; Trebon 20WP; Marigold 0.36SL; Luckyler 25EC …
- Sâu đục cuống quả: Theo dõi hướng dẫn phòng trừ ở giai đoạn múi bao 1/3 hạt trở đi ngay sau khi trưởng thành vũ hóa, mật độ 1-2 con/cành. Sử dụng các loại thuốc: Thuốc sinh học: Delfin WG (32 BIU); Thuricide OF 36 BIU; Bitadin WP. Thuốc khác: Kuraba WP, 3.6EC; ABT 2WP; Proclaim® 1.9EC, 5WG; Dylan 2.0EC; Tasieu 1.9EC; Limater 7.5 EC; Angun 5WG ....
- Bệnh thán thư, sương mai: Thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển gây hại cục bộ trên quả non. Hướng dẫn nông dân phòng trừ khi thấy bệnh chớm xuất hiện gây hại trên quả. Sử dụng các loại thuốc: Arygreen 75WP, 500SC; Daconil 75WP, 500SC; Insuran 50WG; Melody duo 66.75WP; Dithane M-45 80WP; Antracol 70WP; Haohao 600WG; Polyram 80WG ...
b) Trên cây có múi: Sâu vẽ bùa phát sinh gây hại mạnh. Kiểm tra chỉ đạo phun trừ cho các diện tích có tỷ lệ hại ≥ 10 lá khi lộc non mới nhú 2 -4 cm. Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc sinh học: Vbtusa(16000 IU/mg) WP; Dầu khoáng DS 98.8 EC. Thuốc khác Reasgant 3.6EC; Soka 25EC; Angun 5WG; Tasieu 1.9EC; Sokupi 0.36SL; Radiant 60SC; Sieulitoc 250EC ...
Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Trước khi phun thuốc phải nghe dự báo thời tiết, phải bảo đảm ít nhất 4 giờ sau phun không gặp mưa.
BBT
Tác giả: