Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật là chủ trương nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam. Thực tế cho thấy, chủ trương này đã giúp Hà Nam phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống người dân. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Theo đó,UBND tỉnh đã chủ động nghiên cứu, triển khai chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn; thực hiện hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất; tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng quy mô, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa nông sản sạch; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Cùng với đó, tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ kịp thời cho nông dân; phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giaotiếnbộkhoahọckỹthuật;tăng cường phát huy việc ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, giúp nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương, tạo sự đổi thay mạnh mẽ cho diện mạo các vùng nông thôn của Hà Nam.
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của tỉnh về thực hiện tập trung ruộng đất ở các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng sinh thái bền vững, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp tại các địa phương, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Cụ thể:
- Trong lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp đã chuyển dịch dần sang sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi, tăng diện tích sản xuất rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao (dưa chuột xuất khẩu, bí đỏ, bí xanh) là 266 ha và 364,9 ha đối với cây ăn quả (vải u trứng, ổi Đài Loan, bưởi Diễn...).
- Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cơ bản đảm bảo ổn định và đã từng bước chuyển dần theo quy mô trang trại, chăn nuôi chuyên nghiệp. Trong nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 7 khu nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích trên 650 ha và đã tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa tại các vùng đã được quy hoạch (Kế hoạch 1876/KH-UBND ngày 28/6/2019) với diện tích đạt 670,98 ha theo hình thức sản xuất chủ yếu là xen canh cá - lúa hoặc cá - sen, giá trị sản phẩm đạt khoảng 200 - 240 triệu đồng/ha/năm và hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình nuôi cá “sông trong ao”, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã được triển khai có hiệu quả như: ứng dụng sản xuất rau mầm, rau ăn lá các loại trong nhà kính; ứng dụng công nghệ sinh học bằng chế phẩm vi sinh EMINA nhằm xử lý môi trường và tăng năng suất trong chăn nuôi gà thịt; ứng dụng chế phẩm Bio-Floc xử lý cải tạo môi trường ao nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá nước ngọt; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; Đề án “phát triển dịch vụ mạ khay, máy cấy giai đoạn 2020-2023”... đã giải phóng sức lao động cho người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, chủ động được thời vụ, thuận lợi cho việc canh tác, đặc biệt cấy lúa bằng máy là giải pháp hiệu quả cho những vùng gieo thẳng bị lúa cỏ gây hại, cho năng suất cao hơn so với các phương pháp gieo cấy khác.
Tác giả: Tuấn