Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & Môi trường các huyện, thị xã, thành phố vụ xuân 2025: Diện tích lúa đã gieo cấy 26.658,6 ha đạt 101,9 %KH (trong đó lúa gieo thẳng 9.762,2ha, cấy máy 6.274,6ha, cấy tay 10.621,9ha); diện tích cây rau màu vụ xuân đã trồng: 4.338,4 ha đạt 102,8 %. Hiện tại lúa cấy đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, lúa sạ 3 lá – đẻ nhánh; Ngô 4 - 9 lá; Lạc: Phân cành; Dưa chuột, bí: cây con – leo giàn, ra hoa. Thời gian tới theo dự báo còn có khả năng có rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến đến sản xuất nông nghiệp.
Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đối với cây trồng. Đề nghị các địa phương và người dân tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với cây lúa vụ Xuân 2025
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa
kịp thời; duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để giữ ấm cho lúa (mực nước 1-3 cm trên mặt ruộng), tuyệt đối không để ruộng lúa bị khô hạn;
- Không bón thúc phân đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150C, bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá,... để tăng khả năng chống rét cho lúa. Khi thời tiết ấm cần tranh thủ tỉa dặm và bón thúc bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK chuyên dùng để lúa đẻ nhánh sớm.
2. Đối với sản xuất cây rau màu
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kịp thời thu hoạch rau màu đến thời kỳ thu để đảm bảo năng suất và chất lượng; cần bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau màu đang ở giai đoạn sinh trưởng phát triển để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét đậm, rét hại.
- Chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư cho việc gieo trồng các loại rau ngắn ngày, gieo trồng rải vụ, gối vụ nhất là trên các vùng chuyên màu và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu vụ Xuân. Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại.
3. Đối với các vườn cây ăn quả đang trong giai đoạn hoa, đậu quả: cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp hay màng phủ nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Sử dụng biện pháp che chắn cho cây mới trồng để giảm tác hại của gió rét, có thể bổ sung thêm Kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây.
4. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường
công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện
các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết gây ra.
5. Theo dõi chặt chẽ tình hình, báo cáo phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc về Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nam (qua Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm) để được hướng dẫn kịp thời./.
Tác giả: Nguyễn Thanh Bình